Sang Hàn Quốc du học thì đương nhiên là các bạn phải mua SIM để sử dụng rồi. Tuy nhiên làm thế nào và nên lựa chọn SIM card tại Hàn Quốc nào sao cho hiệu quả thì chắc các bạn hãy tham khảo qua bài viết ngày hôm nay nhé.
1. Tại sao nên mua SIM card tại Hàn Quốc?
Các bạn cứ nghĩ đơn giản thôi, giống như ở Việt Nam, không có số di động thì các bạn không liên lạc được với ai, không đăng ký được dịch vụ, không kê khai được thông tin cá nhân. Không có mạng thì… thôi cái này khỏi phải bàn. Vì vậy việc đăng ký dịch vụ viễn thông và internet ở nơi ở mới lúc này là vô cùng cần thiết.
Cách đơn giản và nhanh nhất lúc này bạn có thể làm, đó là đăng ký SIM card. Tại sao lại nói như vậy? Bởi vì một khi các bạn mua SIM card tại Hàn Quốc, bạn vừa đăng ký được số điện thoại vừa đăng ký được cả lưu lượng data.
Hàn Quốc là một trong những quốc gia có tốc độ internet nhanh nhất trên toàn thế giới. Tuy nhiên không phải ở đâu của xứ sở kim chi bạn cũng tiếp cận được wi-fi miễn phí. Kể cả ở Seoul – thủ đô của cả đất nước Hàn Quốc, khi bạn tìm được điểm phát sóng mà bạn chưa đăng ký thuê bao thì khả năng lớn là bạn cũng không thể đăng nhập và sử dụng được, ngoại trừ một số địa điểm công cộng như tàu điện ngầm và các quán cafe.
Và nếu ở thủ đô mà còn như vậy thì các bạn cũng có thể hình dung ra thực trạng khi bạn sinh sống ở các tỉnh thành phố khác là như thế nào rồi đấy.
2. Vậy nên lựa chọn SIM card nào thì phù hợp?
Thực chất, nếu bạn chỉ ở lại Hàn Quốc trong vòng từ 1 tuần trở xuống thì có lẽ bạn sẽ không cần phải làm SIM. Kể cả có phải làm thì có lẽ cũng chỉ cần làm SIM card chỉ sử dụng data (không bao gồm gọi điện, nhắn tin) là cũng đủ rồi. Tuy nhiên, các bạn sang Hàn với tư cách là một du học sinh. Thời gian lưu trú tại đây phải tính bằng năm nên các bạn nên làm SIM card đã bao gồm cả chi phí điện thoại và 3G/4G.
Một lưu ý nho nhỏ, các bạn hãy xem điện thoại mà các bạn hiện tại đang sử dụng có mở được chế độ sử dụng quốc tế không nhé. Không thì các bạn sẽ phải kiếm một chiếc điện thoại mới tại Hàn Quốc đó.
3. Đăng ký SIM card tại Hàn Quốc như thế nào?
Hiện nay ở Hàn Quốc có 03 nhà cung cấp dịch vụ chính, đó là: LG U+, SK Telecom (SKT) và KT Olleh. Bạn có thể tìm thấy cửa hàng của cả ba hãng viễn thông này trên khắp cả nước.
Có 2 cách để bạn có thể đăng ký và sử dụng dịch vụ:
- Cách 1: Đăng ký SIM card trả trước. Cách này chỉ khuyến khích đối với các bạn đến Hàn Quốc trong các kì nghỉ ngắn hạn (ít hơn 3 tháng). Tại Hàn, dịch vụ trả trước rất đa dạng. Bạn đến trực tiếp cửa hàng của hãng để đăng ký dịch vụ bằng hộ chiếu. Ngoài ra, các bạn cũng có thể mở thuê bao tại các cửa hàng tiện lợi, tại sân bay và các địa điểm du lịch nổi tiếng của Hàn Quốc.
- Cách 2: Thanh toán gói cước theo tháng. Khuyến khích đối với các bạn du học sinh ở lại Hàn Quốc lâu hơn 3 tháng. Bạn cần có ID và tài khoản ngân hàng để đăng ký SIM.
Một ví dụ cụ thể để các bạn dễ hiểu: Đối với nhà mạng KT Olleh, bạn sẽ mất $50 USD một tháng để sử dụng gói thuê bao không giới hạn (từ tiền cước điện thoại đến data). Nhà mạng cũng cung cấp các gói cước thấp hơn, nhưng sẽ bị hạn chế về thời lượng phút gọi và data có thể sử dụng trong tháng. Bạn có thể thay đổi gói cước nếu thấy gói cước cũ không phù hợp.
4. Tiện ích của việc đăng ký SIM ở Hàn Quốc
Nếu bạn cần thay điện thoại tại Hàn thì tin mừng cho bạn đây, đăng ký một số gói thuê bao nhất định sẽ giúp bạn được giảm giá khi mua điện thoại. Đăng ký SIM tại đây không bắt buộc bạn phải ký hợp đồng. Tuy nhiên nếu bạn ở lại Hàn Quốc lâu hơn 2 năm thì các bạn nên cân nhắc ký hợp đồng vì khoảng thời gian 24 tháng ở đây là thời gian tối thiểu để ký.
Ký hợp đồng cũng giúp bạn có được nhiều lợi ích đáng kể: tích điểm, giảm giá mua điện thoại, giảm giá cước, nhận đồ miễn phí,… Modem tại Hàn cũng khác khi được gọi là “egg”, có thể mang theo người và rất phù hợp khi các bạn đem đi du lịch theo nhóm.
Nếu ở Hàn ngắn hạn thì các bạn có thể thuê “egg” ở sân bay. Nếu bạn ở lại dài lâu thì nên mua và sử dụng thuê bao theo tháng.
5. FreeT
Còn một điều cần phải nhắc đến nữa, đó chính là freeT. Công ty có trụ sở ở Seoul này cung cấp các gói cước trả trước. Lúc này bạn sẽ không phải chọn một trong ba nhà cung cấp dịch vụ vì thẻ của công ty này có thể sử dụng được dịch vụ của cả ba công ty, về cơ bản là sẽ chi trả cho bất cứ dịch vụ nào bạn chọn.
Ví dụ về một câu chuyện cụ thể của một bạn đăng ký dịch vụ của KT Olleh tại SK Global House ở Yonsei. Bạn đã sử dụng gói KT MVNO sử dụng hộ chiếu của mình, bao gồm dịch vụ 3G và điện thoại. Bạn trả trước 60,000 won. Các cửa hàng thường chỉ nhận tiền mặt hoặc chuyển khoản trực tiếp từ một ngân hàng của Hàn Quốc.
Đổi lại, bạn nhận được 1 SIM card, 1 GB data, một lượng phút gọi cố định và có thể tiếp cận được với bất cứ điểm phát Wi-fi miễn phí nào của Olleh.
Bạn ấy nhận thấy có một số điểm cộng như:
- Điểm phát wi-fi miễn phí của Olleh ở khắp mọi nơi, chính vì vậy bạn sẽ không phải dùng data cá nhân nhiều, data này cũng có thời gian sử dụng trong vòng 30 ngày.
- Nếu bạn cần có thêm data, giá là $16,500 won cho 1GB. Đây cũng là cách duy nhất để bạn tiếp tục sử dụng wi-fi.
- Có app dành cho người dùng điện thoại để bạn nạp tiền vào tài khoản mà không cần đến trực tiếp cửa hàng
Hầu hết thì cơ sở vật chất của freeT nằm chủ yếu ở Seoul nhưng vẫn có các cơ sở khác ở Gyeonggi, Gyeongnam, Ulsan và Jeonbuk.